Hôm nay 28.8, Bưu chính Việt Nam đã lên tiếng phản đối Bưu chính Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Namqua việc phát hành mẫu tem “Tam Sa Thất Liên Dữ”.
Theo website Bộ Thông tin - Truyền thông Việt Nam, việc Bưu chính Trung Quốc phát hành mẫu tem “Tam Sa Thất Liên Dữ” đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Việc làm này đồng thời cũng không phù hợp với các quy định của Văn kiện Liên minh Bưu chính Thế giới (Điều 8, Công ước).
Bộ Thông tin - Truyền thông khẳng định việc làm trên của phía Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Việt Nam có đầy đủ cơ sở lịch sử và pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trả lời Thanh Niên Online, bà Nguyễn Thị Bội Lan, Vụ trưởng Vụ Bưu chính (Bộ Thông tin - Truyền thông) cho biết Cơ quan Bưu chính Việt Nam phản đối hành động nêu trên của Bưu chính Trung Quốc và yêu cầu Bưu chính Trung Quốc tôn trọng sự thật, hủy ngay mẫu tem, phong bì và bưu ảnh in hình các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Trước đó vào ngày 19.5, Bưu chính Trung Quốc đã phát hành bộ tem phổ thông 6 mẫu mang tên “Mỹ lệ Trung Quốc” giới thiệu một số thắng cảnh của nước này. Tuy nhiên, ngoài 5 thắng cảnh nằm trên lãnh thổ Trung Quốc, còn có 1 thắng cảnh nằm trên lãnh thổ Việt Nam.
Đó là mẫu tem mang tên "Tam Sa Thất Liên Dữ" (tạm dịch: Nhóm 7 đảo nhỏ liền nhau ở Tam Sa). Mẫu tem này thể hiện hình ảnh nhóm 7 đảo thuộc nhóm An Vĩnh ở phía đông bắc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ngoài ra, Bưu chính Trung Quốc còn phát hành một phong bì Ngày phát hành đầu tiên (FDC) và một bưu ảnh mang hình ảnh nhóm đảo này.
Tháng 6, Câu lạc bộ sưu tập tem Viet Stamp (TP.HCM) đã phát hiện vụ việc này và có văn bản gửi tới Bộ Thông tin - Truyền thông, Hội Tem Việt Nam kiến nghị về bộ tem bưu chính Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Theo Viet Stamp, vào năm 2004, Trung Quốc cũng từng phát hành bộ tem phong cảnh biên giới gồm 10 mẫu, trong đó cũng có 1 mẫu tem có hình ảnh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Trường Sơn